
Chiều 11/5, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu đã thăm, làm việc với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (Khu CNC) về việc thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 6 tháng 8 năm 2008 của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ chính trị ngày 16 tháng 3 năm 2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới khoa học công nghệ. Đây là lĩnh vực quan trọng để góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự lực tự cường, phát huy văn hóa, con người Việt Nam trong đó có tinh thần đổi mới sáng tạo.
Tại buổi làm việc, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương mong sẽ nhận được những đóng góp ý kiến của các đại biểu đặc biệt là chuyên gia để cùng nhau tham mưu giúp Đảng, Nhà nước có những quyết sách mang tính đột phá trong lĩnh vực này.
Đồng chí cũng gợi ý một số nội dung để các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau trao đổi, làm rõ. Trong đó, tập trung trả lời câu hỏi: Phải làm gì để cho khoa học công nghệ của đất nước ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn? Cụ thể là những góp ý về đường lối chủ trương; về hoàn thiện hệ thống pháp luật; chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hay những cơ chế, chính sách, hình thành cơ sở nền tảng mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh lĩnh vực khoa học công nghệ.
PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu CNC TP Hồ Chí Minh báo cáo với Đoàn về tổng quan đơn vị, thực tiễn phát triển cũng như các đề xuất, kiến nghị.
Chia sẻ tại buổi làm việc, các chuyên gia đều cho rằng, trong thời gian qua, lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực. Việt Nam có tiềm năng về nhân lực cũng như nhiều nguồn lực nhưng thực tế còn thiếu kinh nghiệm. Một số chuyên gia kiều bào cho rằng, chúng ta phải có chính sách làm sao tạo “tổ ấm” để có thể thu hút được ngày càng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước cộng tác và làm việc chung với kỹ sư Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam, để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thế giới. Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm thực tế, các chuyên gia cũng có những kiến nghị Việt Nam cần xem xét sớm hoàn thiện những chính sách phù hợp và tạo thuận lợi về thuế, về thu nhập cơ bản …
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao, biểu dương những kết quả mà Khu CNC TP Hồ Chí Minh đã đạt được trong thời gian qua.
Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu trong buổi làm việc, đồng chí cho biết đó là những nội dung quan trọng để góp phần giúp các cơ quan Trung ương tham mưu trong việc ban hành các quyết sách đóng góp cho sự phát triển khoa học công nghệ nói riêng và phát triển kinh tế đất nước nói chung trong thời gian tới.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh tiềm năng thế mạnh về tự nhiên thì nguồn lực con người đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thế giới đang phát triển như vũ bão với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, của trí tuệ nhân tạo. Đối với Khu CNC TP Hồ Chí Minh, đồng chí mong trong thời gian tới, đẩy mạnh công tác truyền thông, thu hút ngày càng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong lĩnh vực này ở nước ngoài về hợp tác, để khoa học công nghệ của TP Hồ Chí Minh nói riêng và của Việt Nam nói chung ngày càng phát triển, tiệm cận với khoa học công nghệ cũng như một số lĩnh vực khác ở khu vực và quốc tế; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn và trên cả nước.
“Chúng ta cần phải chủ động với quyết tâm cao, khơi thông các điểm nghẽn để phát huy sáng tạo, tạo đột phá, khơi dậy các nguồn lực. Đồng thời mong khoa học công nghệ cần phát huy hơn nữa tính ứng dụng trong thực tiễn”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí cũng mong trong thời gian tới, các chuyên gia ở lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó có các chuyên gia kiều bào sẽ tiếp tục hiến kế, đóng góp kinh nghiệm quý báu để giúp khoa học công nghệ của nước nhà phát triển xứng tầm.
Tại buổi làm việc, PGS TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu CNC TP Hồ Chí Minh đã báo cáo với Đoàn về tổng quan đơn vị, thực tiễn phát triển cũng như các đề xuất, kiến nghị liên quan đến thu hút và trọng dụng đội ngũ tri thức, chuyên gia, nhà khoa học phục vụ mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược cho đất nước.
Trải qua 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Khu CNC TP Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ 7 phân khu chức năng theo quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển. Nơi đây đã thu hút được 160 dự án, trong đó, 70 dự án sản xuất CNC; 19 dự án dịch vụ CNC; 19 dự án nghiên cứu triển khai (R&D); 9 dự án đào tạo, ươm tạo; 23 dự án công nghiệp hỗ trợ CNC; 9 dự án thương mại, dịch vụ; 11 dự án phát triển hạ tầng.Trong 51 dự án FDI, có các tập đoàn CNC nổi tiếng thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia),…. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 10,106 tỷ USD/51 dự án (bình quân vốn đầu tư 198 triệu USD/01 dự án) và tổng vốn đầu tư trong nước tương đương 1,974 tỷ USD/109 dự án (bình quân vốn đầu tư 18,1 triệu USD/01 dự án). Giải ngân vốn đầu tư thực hiện của doanh nghiệp đạt 5,585 tỷ USD, chiếm 46,4%. Qua đây cho thấy số lượng dự án FDI chưa bằng 1/2 số dự án trong nước (51 dự án/109 dự án) nhưng vốn đầu tư gấp 5 lần (10,106 tỷ USD/1,929 tỷ USD).
Hiện đã lấp đầy hơn 85% đất quy hoạch cho hoạt động đa lĩnh vực CNC.
Cũng theo PGS TS Nguyễn Anh Thi, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm CNC tăng dần hàng năm, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu TP Hồ Chí Minh), năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự kiến năm 2023 đạt 26 tỷ USD. Tổng lao động trong các dự án, tính đến cuối năm 2022 là 51.910 người, trong đó có 51.340 lao động trong nước và 570 lao động nước ngoài.
Bên cạnh đó, Khu CNC cũng đã hợp tác chặt chẽ với Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cùng các Viện trường triển khai các hoạt động R&D, đào tạo, ươm tạo CNC, doanh nghiệp CNC và đạt được một số kết quả bước đầu như cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, đào tạo và tái đào tạo, một số hợp tác đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia và thành phố. Qua đó, hình thành và phát triển năng lực nội sinh về CNC cho thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng đại biểu tham quan Trung tâm IETC
Trưởng ban Quản lý Khu CNC TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, bên cạnh những kết quả quan trọng về thu hút đầu tư, đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố và cả nước, điều quan trọng là tại Khu CNC đã hình thành nên những hệ sinh thái ngành mạnh và những cơ sở hạ tầng về khoa học công nghệ làm tiền đề cho sự phát triển của Khu CNC ở giai đoạn tiếp theo với trọng tâm là phát triển năng lực nội sinh.
Khu CNC xác định tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành tiểu đô thị khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Trọng tâm giai đoạn tới là phát triển năng lực nội sinh, tập trung vào phát triển các ngành, lĩnh vực có tính nền tảng, có tác động lan tỏa cao ở tầm quốc gia, gắn với các hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành tại Khu CNC và tận dụng triệt để các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên cơ sở khai thác các thế mạnh về nguồn nhân lực trình độ cao, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt trình độ thế giới, hoạt động theo mô hình của khu công viên khoa học và công nghệ, trong đó việc mở rộng, bổ sung chức năng Khu công viên Khoa học và Công nghệ có quy mô 197ha là nhiệm vụ mang quan trọng, chiến lược.
Kết thúc buổi làm việc, đoàn công tác đã tham quan Trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC), mô hình hợp tác công tư trong thu hút, trọng dụng trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở thung lũng silicon góp phần phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn.
Trong thời gian qua, đội ngũ trí thức đang làm việc tại Khu CNC đã phát huy tốt vai trò, kinh nghiệm của mình và có nhiều đóng góp lớn cho sự phát triển của các đơn vị trong Khu CNC. Tính đến nay, số lượng chuyên gia khoa học và công nghệ người nước ngoài và chuyên gia Việt kiều làm việc trong các doanh nghiệp là hơn 570 và hơn 20 chuyên gia Việt Kiều đã trở về làm việc theo cơ chế cộng tác viên tại 3 đơn vị sự nghiệp khoa học và 5 chuyên gia theo cơ chế chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu.
Nguồn: Đảng Cộng Sản Việt Nam