Hàng hóa phương Tây vẫn chảy vào Nga bằng cách nào bất chấp lệnh trừng phạt?

Hàng hóa phương Tây vẫn chảy vào Nga bằng cách nào bất chấp lệnh trừng phạt?

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), một phân tích về dữ liệu thương mại của Liên hợp quốc cho thấy xuất khẩu của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với hàng hóa nhạy cảm, được gọi là hàng hóa lưỡng dụng, sang các quốc gia láng giềng của Nga đã tăng mạnh vào năm 2022.

Theo các dữ liệu đó, Nga vẫn tiếp tục mua các hàng hóa quan trọng của phương Tây – những mặt hàng mà việc bán hầu hết bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt – khi nước này tìm cách duy trì nền kinh tế.

Tính tổng cộng, xuất khẩu hàng hóa của Mỹ và EU sang Armenia, Gruzia, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Kazakhstan đã tăng lên 24,3 tỷ USD vào năm ngoái từ mức 14,6 tỷ USD của năm 2021. Các quốc gia này cũng đã cùng tăng xuất khẩu sang Nga gần 50% vào năm ngoái, lên khoảng 15 tỷ USD.

Các quan chức châu Âu cho biết, tuyến đường thương mại đang bùng nổ này, còn gọi là “bùng binh Á-Âu”, là một dấu hiệu cho thấy sự thành công của Nga trong việc tìm ra những phương cách mới để có được hàng hóa ưa chuộng từ phương Tây bất chấp các lệnh trừng phạt.

Những con số bất thường

Các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã tăng nhập khẩu từ Mỹ và EU hơn 9 tỷ USD trong năm 2022. Đồng thời, xuất khẩu của họ sang Nga tăng gần 5 tỷ USD.

Các công ty Nga thậm chí còn công khai quảng cáo khả năng của họ để có được hàng hóa bị trừng phạt theo cách này. Ví dụ, Imex-Expert đề nghị “nhập khẩu hàng hóa bị trừng phạt từ châu Âu, châu Mỹ sang Nga thông qua Kazakhstan”. Trang web của công ty tự hào: “Vượt qua lệnh trừng phạt 100%”.

Chú thích ảnh

Đi sâu vào các con số có thể thấy một lượng giao dịch đáng kể những mặt hàng lưỡng dụng. Chẳng hạn, Mỹ và EU đã xuất khẩu hơn 8,5 triệu USD mạch tích hợp sang Armenia vào năm ngoái, gấp hơn 16 lần so với mức 530.000 USD vào năm 2021, theo dữ liệu của Liên hợp quốc.

Đồng thời, xuất khẩu mạch tích hợp của Armenia sang Nga đã tăng lên 13 triệu USD từ mức không đầy 2.000 USD vào năm 2021.

Một bức tranh tương tự cũng xuất hiện với các lô hàng thiết bị laser của phương Tây tới Kyrgyzstan và các thiết bị đo lường, bao gồm các công cụ kiểm tra điện áp và năng lượng, tới Uzbekistan. Cả hai quốc gia này đều chứng kiến ​​ gia tăng xuất khẩu sang Nga. Washington và Brussels đã cấm bán cho Nga nhiều loại hàng hóa này kể từ khi xung đột với Ukraine nổ ra.

Mặc dù quy mô thương mại giữa các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và Nga còn nhỏ so với thương mại của Nga với Trung Quốc, tuyến đường thương mại mới đã cho phép Moskva tiếp cận công nghệ phương Tây.

Các chuyên gia cho biết những công nghệ như vậy rất quan trọng đối với Nga do Moskva còn gặp hạn chế về năng lực thay thế các linh kiện của phương Tây. Pavel Luzin, một chuyên gia về quân sự Nga và là học giả thỉnh giảng tại Đại học Tufts, cho biết: “Thiết bị điện tử cần thiết ở mọi nơi, từ sản xuất máy bay và tên lửa hành trình đến hệ thống chỉ huy, kiểm soát và liên lạc trong xe bọc thép và xe tăng”.

Sarah Stewart, Giám đốc điều hành Silverado Policy Accelerator, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington DC, chuyên phân tích dữ liệu thương mại của Nga, cho rằng khối lượng dù nhỏ di chuyển qua một số quốc gia “cộng lại sẽ đóng góp đáng kể” vào nỗ lực của Moskva trong việc nắm giữ công nghệ nước ngoài.

Chú thích ảnh

Tuy nhiên, đại diện của chính phủ Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Georgia đã không trả lời các yêu cầu bình luận từ WSJ.

Người phát ngôn của chính phủ Armenia cho biết nước này không “tham gia vào bất kỳ quy trình hoặc hành động nào nhằm lách lệnh trừng phạt của EU hoặc Mỹ”. Vị quan chức này khẳng định hải quan Armenia đã tăng cường kiểm soát đối với hàng hóa bị trừng phạt.

Trong gói trừng phạt mới nhất được đề xuất của châu Âu, Ủy ban châu Âu lần đầu tiên đề xuất xử phạt các công ty trong khu vực, bao gồm hai công ty từ Uzbekistan và một từ Armenia, vì đã cung cấp các sản phẩm lưỡng dụng cho Nga.

Nguồn: baotintuc.vn