Lễ chào mừng Ngày khoa học công nghệ Việt Nam 2023

TS Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí là diễn giả tiếp theo với tham luận về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Viện.

TS Phan Đăng Phong nói về câu chuyện tự chủ của tổ chức khoa học công nghệ. Ảnh: Giang Huy

Viện Nghiên cứu Cơ khí trực thuộc Bộ Công Thương là cơ quan nghiên cứu triển khai của Nhà nước về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực Cơ khí – Tự động hoá. Thành lập năm 1962, qua 60 năm phát triển, hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và xây dựng thương hiệu của Viện đã được xây dựng và phát triển qua các thời kỳ.

Ông Phong cho biết, ở giai đoạn đầu, Viện đã tham gia thực hiện những dự án lớn của đất nước như: thiết kế các loại nhà máy và máy móc thiết bị trong các ngành công nghiệp như thiết kế các máy kéo, thiết kế các loại động cơ nổ, thiết kế các loại động cơ thủy, bơm nước phục vụ công trình thủy lợi, turbin thủy điện, kho lạnh cho chế biến thủy sản, thiết kế, cung cấp thiết bị các nhà máy mía đường, nhà máy xi măng, nhà máy thủy điện nhỏ…

Giai đoạn khi nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi sang vận hành theo nền kinh tế thị trường, Viện hầu như không còn các công việc được giao bởi Nhà nước mà phải tự tiếp thị để có hợp đồng cung cấp máy móc, thiết bị và dịch vụ cho khách hàng.

Để có thể bắt kịp sự thay đổi này, Viện tập phát triển năng lực về tư vấn, thiết kế, về công nghệ cao nhằm có đủ năng lực làm tổng thầu EPC, EPCM các công trình dự án; cũng như có đủ năng lực thiết kế, chế tạo được những máy móc thiết bị công nghệ cao.

“Viện xác định công tác tư vấn, thiết kế cho các dự án lớn cho các ngành thủy điện, nhiệt điện, đóng mới giàn khoan, khai thác, chế biến khoáng sản; dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa cho các nhà máy điện, xi măng, khai thác, chế biến khoáng sản; thiết kế, chế tạo các máy móc thiết bị công nghệ cao; hệ thống tự động hóa cho các dây chuyền sản xuất là những định hướng trọng tâm phát triển”, ông Phong phát biểu.

Để có được những kiến thức chuyên ngành liên quan đến thiết kế nhà máy thủy điện, nhiệt điện, khai khoáng, xi măng, ôtô…, Viện đã liên danh, liên kết với các công ty trong và ngoài nước để học hỏi và nhận chuyển giao công nghệ. Nhờ vậy, Viện Nghiên cứu Cơ khí tham gia và thực hiện thành công nhiều dự án, hợp đồng lớn với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, thương hiệu NARIME đã được khẳng định.

Viện Nghiên cứu Cơ khí đã tham gia thiết kế, chế tạo, cung cấp thiết bị cho hơn 30 dự án thủy điện với giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng; đấu thầu và được chọn làm tư vấn cho chủ đầu tư trong việc xây dựng hai dự án boxit Tân Rai và Nhân Cơ; tiết kế tích hợp nhiều hệ thống tự động hóa phức tạp, cạnh tranh với các nhà thầu nước ngoài, giúp chủ đầu tư giảm đáng kể giá thành đầu tư cũng như sự phụ thuộc vào công ty quốc tế.

Nguồn: VnExpress