Tạp chí kinh tế – Nhân dân tệ Trung Quốc hấp dẫn hơn vì chiến tranh Ukraina ?

Bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Janet Yellen giữa tháng 4/2023 nhìn nhận các đòn trừng phạt kinh tế và tài chính mà Washington ban hành nhắm vào Nga từ sau chiến tranh Ukraina và một số quốc gia « bất hảo » từ nhiều năm nay « đe dọa thế bá chủ » của đồng đô la.

Một số phương tiện truyền thông quốc tế không ngần ngại cho rằng, « chiến tranh Ukraina và các đòn trừng phạt mà Âu, Mỹ nhắm vào kinh tế Nga cho phép nhân dân tệ đốt ngắn giai đoạn trên con đường vươn ra thế giới ». Tiền Trung Quốc đang trên đà « soán ngôi đô la ». Một số khác thận trọng hơn ghi nhận « chậm mà chắc, đơn vị tiền tệ càng lúc càng được sử dụng để thanh toán trên thế giới. Đây có thể là nền tảng cho một hệ thống tài chính, tiền tệ và thương mại mới mà ở đó đô la Mỹ sẽ không còn là cột trụ ».

Ngày 26/04/2023 Buenos Aires thông báo sẽ « bắt đầu mua hàng Trung Quốc bằng nhân dân tệ ». Vài ngày trước khi đến Bắc Kinh, tổng thống Brazil loan báo trao đổi mâu dịch hai chiều sẽ được thành toán trực tiếp bằng nhân dân tệ và real. Năm nền kinh tế đang trỗi dậy thuộc nhóm BRICS có kế hoạch thành lập một đơn vị tiền tệ chung, tựa như đồng tiền chung châu Âu euro.

Chỉ riêng trong lĩnh vực dầu hỏa, từ đầu năm 2023 Irak, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, rồi gần đây nhất là Ả Rập Xê Út – các nguồn cung cấp dầu khí quan trọng nhất thế giới, lần lượt loan báo dành một chỗ đứng « xứng đáng hơn » cho nhân dân tệ trong các trao đổi mậu dịch. Không chỉ có các nguồn dầu khí ởTrung Đông, tập đoàn dầu khí Pháp TotalEnergies cuối tháng 3/2023 ký hợp đồng quan trọng về khí hóa lỏng với đối tác Trung Quốc CNOOC cũng bằng nhân dân tệ.

30 nước đã và sắp giao dịch với Trung Quốc bằng nhân dân tệ

Trên đài RFI, giáo sư Mary Françoise Renard đại học Clermont-Auvergne (miền Trung nước Pháp) nêu bật khuynh hướng chung để bớt lệ thuộc vào đô la Mỹ, bớt bị yếu tố chính trị của Washington chi phối. Điều đó không nhất thiết đồng nghĩa với việc nhân dân tệ của Trung Quốc được tín nhiệm hơn.

« Có khuynh hướng chung muốn giảm mức độ lệ thuộc vào Hoa Kỳ, vào đô la Mỹ. Điều đó khiến mọi người chú ý hơn đến đồng nhân dân tệ của Trung Quốc như chúng ta đã thấy trong trường hợp của Brazil và Achentina. Thế rồi một số khác, như Thái Lan chẳng hạn cũng ngỏ ý muốn mở rộng các khoản thanh toán và dự trữ bằng nhân dân tệ, trong một tương lai không xa. Bên cạnh đó còn có hiện tượng muốn trao đổi, thanh toán bằng đơn vị tiền tệ của chính mình với một số đối tác thương mại lân cận. Thí dụ như Ấn Độ và Malaysia đang đàm phán để thanh toán bằng đồng ruppia và ringgit. Thái Lan cũng có kế hoạch tương tự với Indonesia và Nhật Bản. Ở đây có hai hiện tương song song : một là giữ khoảng cách với đô la và hai là trực tiếp giao dịch bằng đơn vị tiền tệ của các đối tác. Giải pháp thứ nhì này cho phép tiết kiệm được các phí tổn về hối đoái, thí dụ như là một doanh nghiệp Indonesia sẽ phải trích xuất đơn vị tiền tệ quốc gia để mua vào đô la, rồi dùng đồng đô la Mỹ đó để thanh toán cho một đối tác thương mại như là Ấn Độ hay Brazil …. Tức là ở đây các bên có thể thu xếp để thanh toán bằng đơn vị tiền tệ của chính mình với nhà cung cấp gần sát cạnh cửa ngõ ».

Dùng tiền Trung Quốc là hợp lý

Trên con đường đi tìm một giải pháp thay thế đô la, việc các bên hướng tới nhân dân tệ là điều dễ hiểu bởi vi Trung Quốc là nền kinh tế thứ hai toàn cầu, là nguồn xuất nhập khẩu nhất nhì thế giới, là đối tác tác thương mại quan trọng nhất kể cả của Mỹ. Hoa Kỳ luôn trong thế nhập siêu với bạn hàng Trung Quốc và hơn nữa Bắc Kinh lại là chủ nợ của Mỹ. Từ 2016 nhân dân tệ đã tham gia rổ tiền tệ chung – quyền rút vốn đặc biệt – của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF.

Giải pháp trực tiếp sử dụng đơn vị tiền tệ của chính mình trong các khoản giao dịch ngoại thương có nhiều điểm lợi. Một là tránh được các phí tổn ngân hàng khi cần mua hay bán đô la Mỹ để giao dịch. Hai là giới hạn được những thiệt thòi khi mà tỷ giá hối đoái của đồng đô la Mỹ trồi sụt thất thường.

Bất chấp những nỗ lực « quốc tế hóa » đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh từ đầu những năm 2000 và nhất là sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đồng tiền Trung Quốc vẫn chưa tạo được uy tín với thế giới. Giáo sư Renard trích dẫn những thống kê gần đây của IMF :

« Năm 2021, đồng nhân dân tệ Trung Quốc chiếm có 1,7 % tổng trao đổi mậu dịch trên thế giới. Tức là không thấm vào đâu. Trái lại, đô la được sử dụng trong 38,4 % và 39 % thanh toán ngoại thương toàn cầu được tính bằng euro. Rõ ràng hiện tượng phi đô la hóa còn rất xa vời. Dù vậy đang có một sự thay đổi từng bước, cho phép nhân dân tệ được sử dụng nhiều hơn như một phương tiện để thanh toán. Điều này phản ánh ảnh hưởng càng lúc càng lớn của Trung Quốc đối với các nền kinh tế đang trỗi dậy và các quốc gia đang phát triển ».

Đô la, vũ khí chính trị của Washington

Từ trước chiến tranh Ukraina tháng 2/2022 và các đòn từng phạt của Âu Mỹ nhắm vào kinh tế Nga, Trung Quốc đã ý thức được là cần tìm mọi cách giảm bớt lệ thuộc vào đô la bởi đó cũng là một công cụ chính trị lợi hại của Washington : Với đồng đô la, năm 2000 chính phủ Mỹ ban hành 21 sắc lệnh trừng phạt nhắm vào quyền lợi của các quốc gia « ngoại quốc », đến cuối 2020, sổ đen của Hoa Kỳ mở rộng đến 94 « mục tiêu » liên quan đến 20 quốc gia trên thế giới. Theo nghiên cứu của giáo sư Daniel McDowell, đại học Syracuse, bang New York- Hoa Kỳ, nói như vậy, gần 10 % các quốc gia trên thế giới đang bị Mỹ trừng phạt khi thì vì lý do vi phạm nhân quyền, lúc do chính sách đối ngoại của quốc gia liên quan…

Nếu như ban đầu Mỹ chỉ trừng phạt những nước « nhỏ » như Iran, Bắc Triều Tiên hay Lybia, thì từ 2022, Washington không nương nhẹ nền kinh tế thứ 9 trên thế giới là Nga.

Các đợt trừng phạt liên tiếp Washington ban hành từ 2014 phản đối Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée lại càng khiến Trung Quốc « cảnh tỉnh ». Chiến tranh Ukraina từ tháng 2/2022 lại càng thúc giục Bắc Kinh phải « độc lập » hơn với các phương tiện tài chính -ngân hàng và tiền tệ trong tay Hoa Kỳ. Giáo sư Renard điểm lại :

« Các biện pháp trừng phạt nhắm vào tài sản của Nga bằng đô la, đồng thời Nga đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán ngân hàng SWIFT. Trung Quốc từ năm 2015, tại Thượng Hải đã thông báo thành lập một mạng viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế CIPS để thay thế SWIFT trong trường hợp cần thiết. CIPS của Trung Quốc hoạt động tương tự như SWIFT. Việc Nga đã bị khai trừ khỏi hiệp hội viễn thông liên ngân hàng SWIFT, rồi các tài sản của Nga bằng đô la bị phong tỏa đã khiến Trung Quốc và một số quốc gia khác trên thế giới rút tỉa được những bài học từ kinh nghiệm của Nga. Số này lại càng quyết tâm giảm mức độ lệ thuộc vào đô la Mỹ và họ quay sang tìm kiếm những giải pháp thay thế ».

Mở rộng ảnh hưởng chính trị

Trung Quốc vừa là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, lại vừa đang nắm giữ hơn 3.000 tỷ dự trữ ngoại tệ bằng đô la. Đương nhiên Bắc Kinh tìm mọi cách để bảo đảm rằng, kịch bản số tiền đó bị « phong tỏa » sẽ không bao giờ được xảy ra trong trường hợp xung đột tại eo biển Đài Loan hay trong một cuộc đọ sức trực tiếp nào khác giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Ngoài chủ đích tự vệ, Trung Quốc còn theo đuổi mục tiêu mở rộng ảnh hưởng, đặc biệt là ảnh hưởng địa chính trị với các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên như giáo sư Mary Françoise Renard đại học Clermont Ferrand ghi nhận, để nhân dân tệ trở thành một đồng tiền quốc tế, Bắc Kinh còn phải vượt qua nhiều trở ngại :

« Quả thực đây là một ý tưởng đang phổ biến. Trung Quốc có mục đích rõ ràng là đẩy mạnh tiến trình quốc tế hóa đồng tiền. Về phía các nước đang phát triển, thì họ cũng muốn bớt bị đô la chi phối, bớt bị lệ thuộc vào đồng euro của châu Âu. Nhưng đây là cả một tiền trình dài hơi và giai đoạn chuyển tiếp sẽ kéo dài. Không ai có thể một sớm một chiều bỏ hẳn đô la. Hơn nữa, để nhân dân tệ trở thành một đơn vị tiền tệ quốc tế, điều đó đòi hỏi thế giới phải tin tưởng vào đồng tiền Trung Quốc, và nhân dân tệ phải được chuyển đổi sang một đơn vị ngoại tệ khác. Đến nay đây không phải là một đồng tiền được tự do hoán đổi. Chính quyền Bắc Kinh ban hành các quy định về giao dịch chuyển từ nhân dân tệ sang bất kỳ một đơn vị tiền tệ nào khác. Trị giá đồng tiền Trung Quốc không tuân thủ luật cung cầu của thị trường mà là do Ngân Hàng Trung Ương ấn định. Không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc có ý định thay đổi đường lối đó trong tương lai hay ban hành những biện pháp mạnh, để nhân dân tệ sớm trở thành một đồng tiền quốc tế ».

Chính vì những « nét đặc thù » của nhân dân tệ mà đồng tiền Trung Quốc vẫn mới chỉ chiếm chưa đầy 3 % dự trữ ngoại tệ của thế giới, và còn thua rất xa đồng yen Nhật Bản.

Dùng nhân dân tệ, giải pháp bất đắc dĩ ?

Trở lại với trường hợp của nước Nga hiện nay, do đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT, do đang bị « phong tỏa » nhiều mặt, dự trữ ngoại tệ của Ngân Hàng Trung Ương Nga bằng đồng tiền Trung Quốc tăng 30 % trong chưa đầy một năm. Matxcơva làm gì với khối ngoại tệ bằng tiền Trung Quốc đó ?

Nga có thể dùng khối tiền đó để thanh toán cho các nhà cung cấp như là Ấn Độ hay Brazil hay không ? Alexandra Prokopenko, thuộc tổ chức nghiên cứu Carnegie e rằng, nếu như quan hệ giữa Matxcơva và Bắc Kinh xấu đi, Liên Bang Nga « có thể mất khoản dự trữ bằng nhân dân tệ đó, hoặc là hệ thống thanh toán của Nga bị xáo trộn ». Một chuyên gia về chính trị kinh tế thế giới viện nghiên cứu Council on Foreign Relations tại New York được báo Libération trích dẫn lưu ý « hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu còn lâu mới tách rời khỏi quỹ đạo đô la, điển hình là phần lớn giao thương giữa Trung Quốc với thế giới bên ngoài đến nay vẫn được tính bằng đô la ».

Cuối cùng, nắm giữ nhân dân tệ cũng là một mối rủi ro trong trường hợp Trung Quốc bị Hoa Kỳ trừng phạt.

Riêng về phần Achentina, Buenos Aires đã ồn ào thông báo thay thế đô la bằng nhân dân tệ trong các hoạt động xuất nhập khẩu, có lẽ một phần do quốc gia châu Mỹ này đang khan hiếm đô la để trả nợ. Năm ngoái, Achentina vất vả lắm mới đạt được một thỏa thuận với IMF để có thêm 4 năm thanh toán 45 tỷ đô la nợ đáo hạn.

Nguồn: RFI Tiếng Việt