Tuyến đường biển phương Bắc giúp Nga trở thành siêu cường Bắc Cực ra sao?

Trong một cuộc họp cấp bộ trưởng mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc lại tầm quan trọng của NSR, nói rằng thực trạng biến đổi khí hậu trên thế giới đã khiến dự án này là không thể thay thế và nhấn mạnh không nên tiết kiệm chi phí khi thực hiện dự án.

“Luôn có một số vấn đề nhất định cần được giải quyết khi nói về vấn đề tài chính, nhưng đồng thời tôi muốn lưu ý đến thực tế rằng sự phát triển của tuyến đường biển phía Bắc là một trong những ưu tiên chiến lược rõ ràng. Có lẽ chúng ta không nên nghĩ đến việc tiết kiệm hay cắt giảm bất cứ thứ gì với tình hình hiện tại”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.

NSR (còn được gọi là Tuyến đường biển cầu Bắc Cực) là huyết mạch vận tải hàng hải Bắc Cực đầy tham vọng của Nga chạy qua vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nga ở cực Bắc, trải dài từ biển Okhotsk và biển Bering ở phía Đông đến biển Barents và biển Trắng ở phía Tây. Tuyến đường dài khoảng 5.600 km này là tuyến hàng hải ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, giúp giảm quãng đường vận chuyển của các tàu qua kênh đào Suez.

Sau khi đi vào hoạt động đầy đủ, NSR dự kiến ​​cho phép vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu chỉ trong vòng 19 ngày, nhanh hơn 40% – 60% so với các chuyến hàng qua kênh đào Suez hoặc Mũi Hảo Vọng.

Tuyến đường biển NSR sẽ cho phép Nga trở thành một “người chơi chính” trong ngành vận tải thương mại có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ USD hàng năm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và khai thác các lãnh thổ của Nga ở Viễn Bắc, bao gồm cả trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ chưa được khai thác.

Theo ước tính vào năm 2021 của Lầu Năm Góc, Bắc Cực có thể chứa gần 1/3 trữ lượng khí đốt tự nhiên của thế giới chưa được khai phá, cũng như hơn 1.000 tỷ USD khoáng sản đất hiếm.

Sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ đối với NSR là một dấu hiệu chắc chắn về tầm quan trọng chiến lược của tuyến đường này. Hải quân Mỹ miêu tả NSR là một nỗ lực nhằm thiết lập “quy định bất hợp pháp về giao thông hàng hải”. Năm 2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Nga “bao biện lý do biến đổi khí hậu để tìm cách kiểm soát các không gian mới ở Bắc Cực, bao gồm cả việc hiện đại hóa các căn cứ quân sự.

Trong nhiều năm qua, Nga đã chi mạnh tay đầu tư cho các tàu quân sự và tàu phá băng có khả năng hoạt động ở nhiệt độ lạnh giá ở Bắc Cực. Hiện Nga có khoảng hơn 50 tàu phá băng thuộc các lớp khác nhau đang hoạt động tại khu vực này.

Nguồn: baotintuc.vn